benh-gout-man-tinh

Bệnh gout mãn tính

Admin 05/08/2020
Gout mạn tính biểu hiện bằng dấu hiệu nổi các cục u (tôphi) và viêm đa khớp mạn tính, do đó còn được gọi là “gout lắng đọng”. Gout mạn tính có thể tiếp theo gout cấp tính. Nhưng phần lớn là bắt đầu từ từ tăng dần không qua các đợt cấp. * Triệu chứng lâm sàng ở khớp:
Bàn tay bệnh nhân Gout mạn tính
  - Nổi u cục (tophi): là hiện tượng lắng đọng urat ở xung quanh khớp, ở màng hoạt dịch, đầu xương, sụn...

 

+ Vị trí: u cục (tôphi) thấy ở trên các khớp bàn ngón chân cái, các ngón khác, cổ chân, gối, khuỷu, cổ tay, bàn ngón tay và đốt ngón gần, có một vị trí rất đặc biệt là trên sụn vành tai. Chưa thấy ở háng, vai và cột sống.

 

+ Tính chất: kích thước to nhỏ không đồng đều, từ vài milimet đến nhiều centimet đường kính, lồi lõm, hơi chắc hoặc mềm, không di động do dính vào nền ở dưới, không đối xứng (2 bên) và không cân đối, ấn vào không đau, được bọc bởi một lớp da mỏng, phía dưới thấy cặn trắng như phấn, đôi khi da bị loét và dễ chảy nước vàng và chất trắng như phấn. 
 
- Viêm đa khớp: Các khớp nhỏ và nhỡ bị viêm là bàn ngón chân và tay, đốt ngón gần, cổ tay, gối, khuỷu, viêm có tính chất đối xứng, biểu hiện viêm thường nhẹ, không đau nhiều, diễn biến khá chậm, các khớp háng, vai và cột sống không bị tổn thương.
 

 

- Biểu hiện ngoài khớp :
 
+ Urat có thể lắng đọng ở thận dưới hai hình thức :
 
Lắng đọng rải rác ở nhu mô thận: hoặc không thể hiện triệu chứng gì, chỉ phát hiện qua giải phẫu bệnh, hoặc gây viêm thận bể thận.
 
Gây sỏi đường tiết niệu: sỏi acid uric ít cản quang, chụp thường khó thấy, phát hiện bằng siêu âm, chụp U.I.V. Sỏi thận dễ dẫn tới viêm nhiễm, suy thận. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tiên lượng của bệnh.

 

+ Urat có thể lắng đọng ở một số cơ quan ngoài khớp như:
 
Gân, túi thanh dịch, có thể gây đứt hoặc chèn ép thần kinh (hội chứng đường hầm).
 
Ngoài da và móng tay móng chân: thành từng vùng và mảng dễ nhầm với bệnh ngoài da khác  (vẩy nến, nấm).
 
Tim: urat có thể lắng đọng ở màng ngoài tim, cơ tim, có khi cả van tim nhưng rất hiếm.
 
* Xét nghiệm và X quang:
 
- Xét nghiệm:
 
+ Tốc độ lắng máu tăng trong đợt tiến triển của bệnh. Các xét nghiệm khác không có gì thay đổi.
 
+ Acid uric máu tăng trên 7mg% (trên 416 micromol/l).
 
+ Acid uric niệu/24h: bình thường từ 400-450mg, tăng nhiều trong gout nguyên phát; giảm rõ với gout thứ phát sau bệnh thận.
 
Dịch khớp có biểu hiện viêm rõ rệt (lượng muxin giảm, bạch cầu tăng nhiều). Đặc biệt thấy những tinh thể urat monosodic nằm trong hoặc ngoài tế bào.

 

+ X quang: Dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh là khuyết xương hình hốc ở các đầu xương, hay gặp ở xương đốt ngón chân, tay, xương bàn tay, chân, đôi khi ở cổ tay, chân, khuỷu và gối. Khuyết lúc đầu ở dưới sụn khớp và vỏ xương, như phần vỏ được thổi vào, bung ra (hình lưỡi liềm), khe khớp hẹp rõ rệt. Sau cùng hình khuyết lớn dần và tạo nên hình hủy xương rộng xung quanh có những vết vôi hoá. Nếu bệnh tiến triển lâu có thể thấy những hình ảnh thoái hóa thứ phát (hình gai xương).

.............................................

Tác giả : TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Hỏi: Tôi bị bệnh gout, liệu có thể uống Allopurinol 300mg liên tục hàng năm được không (1 viên/ngày) và thuốc có tác dụng phụ gì?

Ngoài ra thuốc Nam, thuốc Bắc có chữa được bệnh gout không? Nếu không thì cần điều trị loại thuốc nào và nên mua ở đâu?

(Nguyễn Hữu Đ. - Hà Nội)

Trả lời: Allopurinol là thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự tổng hợp acid uric trong cơ thể (bệnh gout là bệnh có sự tăng acid uric trong máu đưa đến đọng tinh thể urat ở khớp gây đau). Allopurinol không được dùng trong cơn gout cấp tính (điều trị cấp phải dùng Colchicin hoặc Indomethacin) mà chỉ để ngừa, kiểm soát sự tăng acid uric - huyết hoặc được chỉ định đặc biệt trong trường hợp bị sỏi niệu (sỏi urat) hay bị bệnh thận do urat. Tác dụng phụ của Allopurinol: rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu, dị ứng, rụng tóc, độc hại đối với gan, phát ban sốt. Điều trị bằng Allopurinol có thể lâu dài, tuy nhiên đối với trường hợp của ông, nên hỏi bác sĩ đã trực tiếp điều trị cho ông về việc dùng thuốc như thế nào để phòng ngừa cơn gout là tốt nhất.

Trong ăn uống, người bị gout nên kiêng ăn các loại thực phẩm chứa nhiều Purin (Purin vào trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric làm tăng acid uric - huyết) như gan, thận, óc, cá biển loại béo (như cá mòi). Hạn chế uống rượu, bia, nên uống nhiều nước (hơn 2 lít mỗi ngày). Hiện nay chưa có loại thuốc Nam, thuốc Bắc nào có thể chữa khỏi hẳn bệnh gout.